Tiền xu Đông Dương qua các thời kì lịch sử (P1) - Cochinchine và Tonkin

01:40 19/03/2022

  

 

> Tiền xu Đông Dương qua các thời kì lịch sử (P2) - Thống nhất liên bang thuộc Pháp

> Tiền xu Đông Dương qua các thời kì lịch sử (P3) - Các dòng xu bạc

> Tiền xu Đông Dương qua các thời kì lịch sử (P4) - Đồng tiền không còn dùng bạc

 

Tiền giấy Đông Dương rất phong phú với nhiều mẫu tiền bắt mắt đầy nghệ thuật. Thế nhưng mọi người lại không chú ý nhiều đến các loại tiền xu Đông Dương, điều này thật sự rất đáng tiếc vì đây cũng là một phần của lịch sử tiền Đông Dương. Nếu bạn là người mong muốn tìm hiểu thì đừng nên bỏ qua khi bạn đã đọc tới đây.

 

Khởi đầu của tiền xu cổ Đông Dương 

Khởi đầu của việc xác lập chủ quyền của thực dân Pháp tại An Nam chính là lúc Nam Kỳ thất thủ năm 1862 sau khi quân triều đình nhà Nguyễn đại bại làm mất ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Sau đó là 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên lần lượt rơi vào tay Pháp vào năm 1867, dẫn đến sứ thần Phan Thanh Giản phải tự vẫn giữ trọn khí tiết. Toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh bị tách ra và trở thành thuộc địa của Pháp, triều đình nhà Nguyễn không còn quyền hành gì tại vùng đất này. Lúc này chính là lúc người Pháp bắt đầu khai thác và phát triển Nam Kỳ, để làm bàn đạp tấn công ra Bắc Kỳ và chen chân vào trong triều đình nhà Nguyễn.

 

Ban đầu trước khi Pháp qua, người dân thường dùng đồng xu điếu (loại xu lỗ vuông xỏ dây) nhưng vì được chúng đúc tràn lan, dùng lẫn lộn xu tất cả xu mọi thời kì nên giới quan lại, phú hộ không tin tưởng. Nam Kỳ giao thương nước ngoài rất lớn, những đồng xu bạc ngoại thương đến từ các nước Anh Quốc, Mexico, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Đông Ấn Hà Lan, Nhật,... được ưu tiên tích trữ hơn vì chúng là bạc thật, nếu có chiến tranh cũng dễ thanh khoản và không bị mất giá. Giới nhà giàu thường đổi xu điếu sang xu bạc ngoại thương để ôm. 

 

Nhận thấy sự bất thường từ dân chúng không tin tưởng đồng tiền triều đình, Pháp đã phát hành đồng tiền đầu tiên tại Nam Kỳ. Lúc này Pháp chưa phát hành tiền giấy, những đồng xu này chỉ lưu hành tại Nam Kỳ, chưa hề có mặt ở Bắc Kỳ (Tonkin) và An Nam (vùng Trung Kỳ triều đình quản lý), giá trị cao hơn đồng điếu nên nhanh chóng được người dân đưa vào xử dụng. Lúc này chưa thể gọi là tiền xu Đông Dương mà là tiền xu Nam Kỳ (Cochinchine).

 

Các mệnh giá tiền Đông Dương

Thời Pháp, giá trị tiền xu Đông Dương so với tiền giấy là rất thấp, nó mặc định là tiền lẻ. Tuy nhiên nếu so với tiền xu phong kiến của triều đình nhà Nguyễn, thì xu Đông Dương có giá trị cao hơn. Tại Đông Dương, Pháp không dùng đơn vị franc như ở mẫu quốc và các thuộc địa khác, mà dùng đơn vị là piastre. Quy ước của Pháp về các đơn vị tiền tệ.

 

1 điếu = 1 sapèque

10 sapèque = 1 centime

100 centimes = 1 piastre

 

1 piastre có giá trị rất lớn, thường đúc bằng bạc, hay còn gọi là 1 quan. Càng về những năm sau, Pháp cắt giảm hàm lượng bạc và cuối cùng thay thế bằng hợp kim đồng - nickel.

 

Tiền xu bạc Đông Dương

Những đồng xu bạc Đông Dương thường được đúc từ năm 1885 đến 1937. Sau này, Pháp loại bỏ bạc ra khỏi hệ thống tiền tệ vì kinh phí quá lớn cũng như khó khăn về tài chính, dành nhiều chi phí phục vụ chiến tranh hơn. Các mệnh giá được đúc bạc gồm 10, 20, 50 cent và 1 piastre, các mệnh giá nhỏ hơn thì dùng kim loại rẻ tiền hơn.

 

Tiền xu Đông Dương chia làm 3 thời kì 

Thời kì Nam Kỳ thuộc địa, thời kì hợp nhất liên bang Đông Dương thành đồng tiền 3 nước Đông Dương Việt - Miên - Lào và thời kì Pháp trở lại Đông Dương sau thế chiến II.

 

Tiền xu Nam Kỳ (Cochinchine)

Tất cả tiền xu được ghi chữ “COCHINCHINE” chỉ lưu hành tại Lục Tỉnh Nam Kỳ.

 

Xu sapèque Ba Son 

Nguyên bản xu này là xu 1 centime 1875K ở bên Pháp, chính quyền thuộc địa đã nhập cảng đem về xưởng tàu Ba Son dập thêm lỗ tròn ở giữa. Vì thói quen của người dân là xỏ xâu, nên xu cũng thay đổi cho phù hợp. 

 

xu sap2que cochinchine ba son 1875

 

Xu này thường được gọi là xu Ba Son, giá trị quy ước là 1/10 cent, tức là 1 điếu. Đây là xu đầu tiên Pháp đưa vào Nam Kỳ lưu hành. Người dân nhanh chóng từ bỏ xu triều đình.

 

Xu 2 sapèque Cochinchine

Xu được phát hành qua các năm 1879, 1885, 1887, 1898.

Mặt sau gồm 8 chữ Hán: Đương nhị - Đại Pháp Quốc - Chi An Nam.

Chất liệu đồng pha thiếc. Giá trị quy ước là 1/5 cent.

 

xu sapèque cochinchine

 

Xu thẻ bài 1 cent Cochinchine

Xu được phát hành qua các năm 1879, 1884, 1885.

Mặt trước là hình bà đầm xòe.

Mặt sau có 4 chữ Hán: “Bách Phân Chi Nhất” nằm trong khung chữ nhật sổ dọc giống như hình lá bài tứ sắc nên được gọi là xu thẻ bài.

Khối lượng 10 gr.

Chất liệu hợp kim đồng - thiếc.

 

xu cochinchine thẻ bài

 

Xu bạc 10 cent Cochinchine

Xu được phát hành qua các năm 1879, 1884, 1885.

Hàm lượng bạc 90%, khối lượng 2,721 gr.

Giá trị quy ước 10 cent = 1/10 piastre. Hình bà đầm xòe.

 

xu ochinchine 10 cent

 

Xu bạc 20 cent Cochinchine

Xu được phát hành qua các năm 1879, 1884, 1885.

Hàm lượng bạc 90%, khối lượng 5,443 gr.

Giá trị quy ước 20 cent = 1/5 piastre. Hình bà đầm xòe.

 

xu cochinchine 20 cent

 

Xu bạc 50 cent Cochinchine

Xu được phát hành qua các năm 1879, 1884, 1885.

Hàm lượng bạc 90%, khối lượng 13,607 gr.

Giá trị quy ước 50 cent = 1/2 piastre. Hình bà đầm xòe.

 

xu cochinchine 50 cent

 

Như vậy, xứ Nam Kỳ chỉ có duy nhứt 5 mẫu xu được lưu hành, những mẫu xu này có đặc điểm rất hiếm gặp, dễ mài mòn, rất khó tìm được xu chất lượng đẹp hay nguyên vẹn. Lúc này chưa có xu 1 piastre và tiền giấy, mệnh giá lớn nhất là 1 quan tiền loại xu bạc ngoại thương đến từ các nước giao thương mua bán với Nam Kỳ.

 

Tiền xu Bắc Kỳ (Tonkin)

Pháp chính thức bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ kể từ năm 1884, và đến năm 1885 thì chính thức đưa đồng tiền bạc Đông Dương lưu hành toàn liên bang. Từ khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần 1 (1873) và chiếm Hải Phòng thì cũng là lúc tiền giấy đầu tiên của Đông Dương ra đời tại đây (1875). 

 

Tại Nam Kỳ, Pháp xóa bỏ tên “COCHINCHINE” trên tất cả mọi đồng xu, thay thế bằng chữ “INDOCHINE”. Áp dụng hầu hết lên các xu 2 sapèque, 10 - 20 - 50 cent và cũng chính thức phát hành xu bạc 1 piastre.

 

Riêng tại Bắc Kỳ, nơi vẫn còn ảnh hưởng bởi triều đình nhà Nguyễn, người dân vẫn dùng xu triều đình rất nhiều, đa số là các xu điếu nhỏ làm đơn vị tiền lẻ. Để loại bỏ chúng, năm 1905, Pháp đúc ra xu mệnh giá 1/600 piastre.

 

Xu 1/600 piastre Tonkin

Mặt trước xu là “PROTECTORAT DU TONKIN” (Bảo hộ Bắc Kỳ).

Mặt sau xu là 7 chữ Hán: Lục Bách Phân Chi Nhất Thông Bảo.

Chất liệu xu làm bằng kẽm. Giá trị quy ước 1/600 piastre, tức 600 xu này mới đổi được 1 piastre. Đơn vị này nhỏ hơn xu 2 sapèque ở Nam Kỳ (2 sapèque =1/500 piastre)

 

 xu 1/600 piastre tonkin

 

(còn tiếp)

 

Bạn có nhu cầu mua bán tiền cổ Việt Nam - Đông Dương, hay thu đổi tiền quốc tế thì hãy liên hệ ngay với shop D-money.

  • Liên hệ trực tiếp qua sdt hoặc qua zalo 0933.645.494
  • Địa chỉ: Hẻm 2683, số 2675/19 Phạm Thế Hiển, P7, Q8, TPHCM (vui lòng gọi trước khi đến)
  • Truy cập vào fanpage của shop nhắn tin ngay dưới đây https://www.facebook.com/shoptiendmoney/