Tiền MPC đô-la đỏ được lưu hành tại miền Nam trước 1975 ra sao?

02:41 27/09/2023

 

Tiền đô la đỏ từng có giá trị rất lớn và đã khẳng định quyền lực của Hoa Kỳ bên ngoài lãnh thổ, nó đã được lưu hành tại miền Nam trước năm 1975 với 4 bộ tiền 641, 661, 681, 692.

 

Tiền đô la đỏ là gì? Tiền ra đời nhằm mục đích gì?

“Tiền đô-la đỏ” là tên gọi chung của loại tiền mà người Việt khi nhắc tới tiền quân đội Hoa Kỳ (Military Payment Certificate), ở đây gọi tắt là tiền MPC. Mỗi tờ đều ghi rõ “Military Payment Certificate – For use only in the United States military establishments – by United States authorized personnel in accordance with applicable rules and regulations” (tạm dịch: Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội: chỉ sử dụng tại các cơ sở của Quân đội Hoa Kỳ – qua các nhân viên có thẩm quyền thuộc Hoa Kỳ theo quy định và luật lệ phù hợp). Tiền được phát hành bởi Bộ Chiến Tranh, do đó không có dấu của Kho bạc Hoa Kỳ thường thấy trên tờ dollar xanh. 

 

Bộ series 641 lưu hành từ 1965 đến 1968

 

Bộ series 661 lưu hành từ 1968 đến 1969

 

Bộ series 681 lưu hành từ 1969 đến 1970

 

Bộ series 692 lưu hành từ 1970 đến 1973 

 

Mục đích của MPC là để bảo vệ nền kinh tế - tài chính giữa Hoa Kỳ và đồng minh. Bởi Hoa Kỳ có tới 2 loại tiền là dollar xanh và MPC. Dollar xanh là tiền chính thức được lưu hành tại Hoa Kỳ, còn MPC chỉ được dùng để trả lương cho quân nhân Hoa Kỳ khi đồn trú tại nước đồng minh. Việc lưu hành MPC tại nước đồng minh là cách để ngăn chặn lượng tiền dollar xanh đổ sang nước đó, mà hậu quả là gây náo loạn kinh tế, lạm phát tăng cao, mà nguyên nhân cũng bởi người dân thế giới luôn luôn chuộng tiền dollar xanh bởi tính thanh khoản cao, đi tới nước nào cũng xài được, tích trữ không bị mất giá nhiều như tiền nội địa. 

 

Lưu hành tiền MPC ra sao?

Sau khi quân nhân Hoa Kỳ nhận lương bằng MPC, người ta sẽ mua hàng hóa trong các siêu thị PX (Post Exchange - một loại siêu thị của quân đội, gần giống như cửa hàng quân tiếp vụ của quân lực VNCH) để phục vụ đời sống. Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, thực tế đường đi của tiền MPC nhiều hơn như vậy.

 

Tuồn hàng PX

Trong siêu thị PX sẽ có nhiều quầy khác nữa, tất cả các hàng hóa đều miễn thuế và được bán giá gốc rất hời như xà bông cục Dial, kềm cắt móng Cooks, bao thuốc lá Salem, nước ngọt Coca Cola, bột giặt Tide cho tới những món hàng mắc mỏ như radio Zenith, máy ghi âm Akai, máy chụp hình Olympus, vô tuyến Denon… Quân nhân Hoa Kỳ sẽ mua gom hàng trong đó sau đó đem ra ngoài chợ bán để hưởng phần chênh lệch. Do đó ngoài chợ chồm hổm thường hay bán nhiều đồ ngoại là vậy. Từ đó bắt đầu hình thành nên các đầu mối thu gom tiền MPC bên ngoài thị trường chợ đen, giá thâu đổi tiền MPC cao hơn trong căn cứ.

 

Siêu thị PX chuyên phục vụ nhu cầu mua sắm cho quân nhân Mỹ với mức giá rất rẻ, không tính thuế. Trong hình là vô tuyến điện trong PX, và được GIs (quân nhân Mỹ) tuồn ra ngoài bán ở thị trường chợ đen.

 

 

Đồ hộp Mỹ là món khoái khẩu của người Việt được bán công khai ở ngoài chợ (Hình 9PN sưu tầm)

 

Những chồng nệm hơi, lều, mùng chống muỗi, võng nylon, mền và ghế bố dã chiến của quân đội Hoa Kỳ được bán ở chợ đen cạnh chợ trung tâm ở Chợ Lớn, khu phố Tàu của Sài Gòn, Việt Nam vào ngày 21 tháng 6 năm 1966. (AP Photo/ John Nance)

 

Một người phụ nữ trả giá ở chợ đen Sài Gòn, Việt Nam vào ngày 23 tháng 6 năm 1966. Đồ hộp Mỹ, kẹo, thuốc lá, bình xịt, sáp, xi đánh giày, bia và rượu chỉ là một số ít các mặt hàng được bán từ các quầy có mái che, bên lề đường là những chồng đồ hộp và bàn xếp dọc hai bên đường, gần con đường chính của thành phố. (AP Photo/John Nance)

 

Đồ hộp, bánh kẹo, rượu,... bày bán dọc bên lề đường (AP Photo/John Nance)

 

Một đứa trẻ dọn hàng trong chợ đen

 

Cách Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ngày 23 tháng 1 năm 1968, một phụ nữ Việt Nam bán sản phẩm hóa liệu từ American Post Exchange (PX).

 

 

Một phụ nữ bán thuốc lá PX bên hông Eden

 

Mua hàng nội địa VNCH

Những thương nhân trong siêu thị PX đa phần cũng là người Nam Hàn, những người này đem tiền MPC ra ngoài chợ đen đổi lấy tiền VNCH để mua hàng bên ngoài đem về bán.

 

Ăn chênh lệch nhờ đổi MPC

Quân nhân sẽ nhắn tin về gia đình bên Hoa Kỳ gởi tiền qua VN kèm trong thư theo hệ thống APO (Army Post Office – một hình thức quân bưu của quân đội Mỹ theo kiểu KBC (Khu bưu chính) trong quân lực VNCH), lúc nhận sẽ là dollar xanh, sau đó đem ra ngoài chợ đen đổi nhận về MPC với tỷ lệ 1:1,8, thí dụ 100 dollar xanh đổi được 180 MPC. Rồi đem tiếp MPC đi đổi lấy tiền VNCH mới mức cao gấp đôi giá qui định ở căn cứ. Như vậy khoản chênh lệch được hưởng rất lớn, cộng với chi phí ở VN rẻ nên sinh hoạt rất dư dả. Sau đó họ đem tiền VNCH về căn cứ đổi sang dollar xanh để gởi trả về cho gia đình.

Thường chiêu mánh mung này đều do các “me Mỹ”, gái bar, Mama-san, Papa-san hay những tay đầu cơ người Việt “truyền nghề” chứ ban đầu quân nhân không biết được.

 

Người dân nhận luôn tiền MPC

Binh lính cũng ra ngoài mua hàng bằng tiền MPC, người dân gom tiền lại sẽ có đầu nậu tới thâu gom. Đầu nậu cũng ăn phần chênh lệch nhờ đổi cho người khác, người mua lại MPC sẽ là người buôn cần mua đồ trong siêu thị PX, tiếp tục chuyển qua tay quân nhân mua hàng PX tuồn ra.

 

Một cậu bé bán đồ hộp tại chợ cũ Tôn Thất Đạm

 

Các loại rượu được bày bán công khai ngay trên lề đường

 

Bột cacao, cà phê, tương ớt, mứt,... tá lả

 

Những người buôn hàng PX đang ngồi chờ bên ngoài siêu thị PX chờ các GIs tuồn ra để mua (Hình 9PN)

 

Bài trừ hàng lậu, ngăn chặn tích trữ bằng cách đổi tiền trong bí mật

Nếu quân nhân xuất ngũ hay rút căn cứ về nước, tiền MPC sẽ được quy ra thành dollar xanh hoặc nếu nghỉ phép đi du lịch cũng sẽ được đổi sang tiền nội địa của nước đó. Chợ đen bán hàng PX diễn ra rầm rộ nhờ chênh lệch lợi nhuận rất cao, lượng hàng lậu tuồn ra ngày càng nhiều không hề có một thứ thuế nào áp được do bản chất của hàng PX là viện trợ chiến tranh. Chính phủ VNCH cũng lo ngại về nạn hàng lậu này, cũng có sức ép lên cơ quan Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ thấy điều đỏ nên đã ngăn chặn bằng những cuộc đổi tiền bất ngờ, những ngày đó gọi là “C-day” (Conversion Day - Ngày đổi tiền).

 

Cảnh sát tịch thu thiêu hủy hàng lậu ngay trên đường (Hình 9PN sưu tầm)

 

Vào ngày C-day, quân nhân bị cấm trại, bảo đảm không tuồn thông tin ra ngoài, điều này làm nhiều người buôn đang ôm tiền MPC mất trắng. Tất cả mẫu MPC cũ sẽ trở thành giấy lộn, và tiền MPC sẽ mới được lưu hành khi thả trại, tất nhiên căn cứ sẽ không nhận đổi lại mẫu MPC cũ. Đây là cách để diệt nạn đầu cơ tích trữ MPC cũng như bảo vệ tiền nội địa cho đồng minh. Nạn hàng lậu vẫn tồn tại, dù đã có cảnh sát thiêu hủy hàng lậu ngay trên đường để cảnh cáo, nhưng người dân vẫn lách được và trữ hàng hóa nhiều hơn tích trữ MPC.

 

Đức Châu